Hướng dẫn các bước làm sơ yếu lý lịch ở nơi tạm trú từ A-Z

Theo dõi tuyendung3s tại

Nguyên Nhung  

Ngày đăng: 11/05/2024

Khi đi xin việc, doanh nghiệp sẽ yêu cầu người lao động nộp sơ yếu lý lịch để hoàn thiện hồ sơ thủ tục, vậy các ứng viên đã biết cách làm sơ yếu lý lịch ở nơi tạm trú hay chưa? Sau đây chúng tôi sẽ nói rõ bạn cần chuẩn bị những gì và hướng dẫn thực hiện các bước như thế nào.

1. Có hợp lệ khi làm sơ yếu lý lịch ở nơi tạm trú?

Các bạn đi làm xa quê hẳn sẽ đặt câu hỏi liệu mình cần xác nhận sơ yếu lý lịch ở nơi thường trú hay tạm trú? Liệu xác nhận ở nơi tạm trú thì có hợp lệ không, có xin được dấu không? Nhà tuyển dụng có chấp nhận bản sơ yếu lý lịch đó không?

Thắc mắc khi làm sơ yếu lý lịch ở nơi tạm trú
Thắc mắc khi làm sơ yếu lý lịch ở nơi tạm trú

Theo như quy định pháp luật, bạn có thể xác nhận sơ yếu lý lịch ở nơi bạn hiện đang sinh sống chứ không cần phải về quê để làm. Cơ quan nơi bạn tạm trú có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong bản khai lý lịch cá nhân của bạn, không bắt buộc phải mang về tận nơi thường trú.

Xác nhận tại ủy ban xã/phường/thị trấn hoặc văn phòng công chứng
Xác nhận tại ủy ban xã/phường/thị trấn hoặc văn phòng công chứng

Bạn có thể mang sơ yếu lý lịch của mình đến cơ quan nào? Đáp án đó chính là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc bất cứ Văn phòng công chứng nào ở nơi bạn đang sinh sống nhé.

2. Những thứ cần chuẩn bị trước khi đi làm sơ yếu lý lịch ở nơi tạm trú

Tờ khai sơ yếu lý lịch có sẵn trong bộ hồ sơ xin việc, được bán rộng rãi ở khắp các cửa hàng văn phòng phẩm trên cả nước, bạn có thể mua chúng một cách dễ dàng với giá thành rất rẻ. Bạn chỉ cần điền đầy đủ thông tin vào các mục sẵn có trên tờ sơ yếu lý lịch, sau đó đem đến cơ quan có thẩm quyền và xin dấu xác nhận chứng thực.

Sơ yếu lý lịch có sẵn trong bộ hồ sơ xin việc
Sơ yếu lý lịch có sẵn trong bộ hồ sơ xin việc

Khi đến Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn hoặc Văn phòng công chứng để xin chứng thực, các bạn hãy nhớ mang theo các giấy tờ sau:

- Bản sơ yếu lý lịch mà bạn sẽ nộp cho nhà tuyển dụng.

- Căn cước công dân/chứng minh thư/hộ chiếu bản chính hoặc bản photo có công chứng, nhớ là còn giá trị sử dụng nhé.

Bạn nên đựng các giấy tờ cần thiết và bản sơ yếu lý lịch vào túi cẩn thận, phòng trường hợp hư rách hoặc đánh rơi. Ngoài ra, hãy đảm bảo bản thân luôn tỉnh táo, minh mẫn trong quá trình xin xác nhận.

Xem thêm: Quy trình xin xác nhận sơ yếu lý lịch nhanh chóng theo đúng quy định

3. Cách viết nội dung bản sơ yếu lý lịch ở nơi tạm trú

Sơ yếu lý lịch yêu cầu một ảnh 4x6 cm dán ở góc bên trái, bạn hãy chọn ảnh chỉn chu, ăn mặc gọn gàng, được chụp trong thời gian gần đây, không quá khác với bản thân ở ngoài đời.

Đối với phần nội dung, bạn nên ghi bằng bút mực đen hoặc xanh dương, tránh chọn các màu sặc sỡ khó nhìn. Chữ viết phải cẩn thận rõ ràng, không được viết tắt viết ngoáy hay sai chính tả, không nên chọn loại bút có nét quá dày đậm hoặc quá mảnh, bạn nào chữ mà “gà bới” quá thì nhớ phải nắn nót nha, như vậy thì nhà tuyển dụng mới đọc được thông tin của bạn.

Thông tin cần điền vào sơ yếu lý lịch
Thông tin cần điền vào sơ yếu lý lịch

Bản sơ yếu lý lịch là mẫu có sẵn, vậy nên các mục nội dung cần điền đều như nhau, bất kể bạn xin xác nhận ở nơi thường trú hay tạm trú. Sau đây sẽ là hướng dẫn để các bạn điền đầy đủ các mục nội dung này.

Phần I là Thông tin cơ bản, các thông tin cần ghi bao gồm:

- Họ và tên: Nhớ ghi bằng chữ in hoa, ví dụ NGUYỄN VĂN TUẤN, HOÀNG THỊ VÂN,… Họ tên phải là họ tên thật, trùng với tên trên căn cước/chứng minh thư, không ghi thiếu hay ghi biệt danh.

- Nam/Nữ: Ghi “Nam” hoặc “Nữ” theo giới tính của mình, đừng khoanh hay gạch vào một trong chữ “Nam/Nữ” in sẵn.

- Sinh ngày/tháng/năm: Viết rõ ngày tháng năm sinh của mình bằng số Ả Rập.

- Nơi sinh: Viết rõ nơi bạn sinh ra.

- Nguyên quán: Nguyên quán là quê nội, cũng có trường hợp là quê ngoại. Ghi theo như nguyên quán trên căn cước/chứng minh thư của bạn.

- Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Ghi rõ địa chỉ ở nơi mà mình đăng ký hộ khẩu thường trú (số nhà bao nhiêu, đường nào, xã/phường gì, huyện/quận gì, tỉnh thành gì).

- Nơi ở hiện tại: Đó là địa điểm bạn đang ở tạm thời, đã đăng ký tạm trú với cơ quan địa phương và cũng cung cấp địa chỉ cụ thể (số nhà, tên đường, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành).

- Điện thoại liên hệ: Điền số điện thoại cá nhân của bạn, phải là số bạn hiện đang sử dụng thường xuyên.

- Dân tộc: Viết tên dân tộc của bạn (Kinh, Thái, Mường,….), không viết chung chung như “Việt Nam”.

- Tôn giáo: Nếu bạn theo tôn giáo nào thì ghi tên tôn giáo đó, còn nếu không có tôn giáo thì ghi là “Không”.

- Số chứng minh: Ghi đầy đủ số căn cước/chứng minh thư đang có giá trị sử dụng, ghi đầy đủ ngày cấp và nơi cấp. Nếu bạn không nhớ thì có thể xem lại bản căn cước/chứng minh thư của bạn.

- Trình độ văn hóa: Ghi cấp học mà bạn đã hoàn thành (Tốt nghiệp Trung học phổ thông, Tốt nghiệp Đại học,…)

- Kết nạp Đoàn TNCS HCM: Ghi rõ thời gian và nơi kết nạp Đoàn theo đúng thông tin trong sổ Đoàn của bạn, nếu chưa vào Đoàn thì có thể bỏ qua không ghi.

- Kết nạp Đảng CSVN: Ghi rõ thời gian và nơi kết nạp Đảng, nếu chưa vào Đảng thì có thể bỏ qua không ghi.  

- Khen thưởng/Kỷ luật: Viết rõ danh hiệu được khen thưởng hoặc nguyên do kỷ luật, ghi ngày/tháng/năm nhận khen thưởng/kỷ luật.

- Sở trường: Liệt kê các sở trường của bạn, viết ngắn gọn đừng quá dài dòng.

Phần II là phần Quan hệ gia đình, yêu cầu khai báo thông tin về người thân trong gia đình của bạn (cha, mẹ, anh, chị, em ruột), nếu bạn không có anh chị em ruột thì có thể bỏ qua không ghi. Các mục thông tin bao gồm họ tên, năm sinh, nghề nghiệp hiện nay và cơ quan công tác.

- Họ và tên bố/mẹ/anh chị em ruột: Ghi đầy đủ họ tên của người thân theo đúng như họ tên trong căn cước/chứng minh thư của họ, nhớ phải ghi chữ in hoa giống như khi viết họ tên của bạn.

- Năm sinh: ghi rõ năm sinh của người thân theo đúng như họ tên trong căn cước/chứng minh thư của họ.

- Nghề nghiệp hiện nay: Điền rõ nghề nghiệp mà hiện nay họ đang làm.

- Cơ quan công tác: Ghi tên cơ quan nơi họ hiện đang công tác, nếu không có cơ quan thì có thể bỏ qua.

- Chỗ ở hiện nay: Ghi địa chỉ nơi họ hiện đang sinh sống.

Phần thứ ba là viết tóm tắt về quá trình đào tạo, bạn cần chỉ rõ thông tin về các cấp độ học vấn bạn đã hoàn thành vào các cột đã được phân chia sẵn.

Ví dụ: Từ tháng 9/2024 đến tháng 5/2024, học tại Đại học X, ngành Quản trị kinh doanh, Hình thức đào tạo chính quy, văn bằng chứng chỉ tốt nghiệp.

Phần IV là Tóm tắt quá trình công tác, bạn liệt kê những cơ quan, đơn vị mà mình từng làm việc và vai trò của mình ở cơ quan đó. Nếu chưa từng đi làm thì có thể bỏ qua không viết. Còn nếu bạn từng làm ở nhiều nơi thì hãy lựa chọn những nơi tiêu biểu nhất, không cần liệt kê những chỗ làm trong thời gian quá ngắn.

Ví dụ: Từ tháng 5/2024 đến tháng 6/2024, công tác tại Công ty Cổ phần A, chức vụ kế toán.

Cuối cùng là địa điểm, thời gian làm sơ yếu lý lịch và ký tên. Bạn viết rõ nơi bạn khai báo và viết ngày/tháng/năm vào chỗ trống bằng chữ số Ả Rập. Ở dưới chữ “Người khai”, ký tên và ghi rõ cả họ lẫn tên của mình vào bên dưới.

Đến đây, bạn đã hoàn thành các bước điền thông tin vào bản sơ yếu lý lịch của mình.

Xem thêm: Hướng dẫn viết mẫu sơ yếu lý lịch 3 đời đầy đủ và chi tiết

4. Một số điểm cần lưu ý khi xác nhận sơ yếu lý lịch tại nơi tạm trú

Bạn đã ghi xong bản sơ yếu lý lịch của mình rồi, tuy nhiên chúng tôi vẫn có một số lưu ý dành cho bạn trong quá trình xin xác nhận tại nơi tạm trú:

Một vài lưu ý khi xác nhận sơ yếu lý lịch
Một vài lưu ý khi xác nhận sơ yếu lý lịch

- Ủy ban và Văn phòng công chứng chỉ hoạt động vào giờ hành chính, vậy nên bạn nhớ đến đúng thời điểm họ đang làm việc, nếu đến trái giờ thì sẽ không xin được chứng thực.

- Bạn nên chuẩn bị trước nhiều bộ sơ yếu lý lịch để cùng xin chứng thực một thể, phòng trường hợp doanh nghiệp yêu cầu thêm hoặc bạn muốn ứng tuyển nhiều doanh nghiệp cùng lúc. Như vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian trong tương lai.

- Quá trình xác nhận không mất nhiều thời gian, vậy nên bạn không cần quá gấp gáp, song cũng đừng chuẩn bị sơ yếu lý lịch muộn, sẽ gây trễ nải ảnh hưởng nhiều công việc.

Nộp sơ yếu lý lịch cho nhà tuyển dụng
Nộp sơ yếu lý lịch cho nhà tuyển dụng

Vừa rồi chúng tôi đã hướng dẫn cụ thể các bước làm sơ yếu lý lịch ở nơi tạm trú, bạn hãy thực hiện đúng theo như chỉ dẫn và đảm bảo không có nhầm lẫn sai sót nào trong bản khai báo, nếu không bạn sẽ phải làm lại toàn bộ tờ sơ yếu lý lịch của mình đấy. Chúc bạn hoàn thành bản sơ yếu lý lịch của mình để nộp cho nhà tuyển dụng và sớm nhận được kết quả như mong muốn nhé!

Bài Viết Liên Quan

BÌNH LUẬN

TRẢ LỜI BÌNH LUẬN
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Thông Báo

Thoát

Bạn có tin nhắn mới từ :