Khoa học Môi trường là gì? Những công việc liên quan đến ngành

Theo dõi tuyendung3s tại

Nguyễn Thủy  

Ngày đăng: 05/04/2024

Ngành Khoa học Môi trường đang trở nên “hot” và được đánh giá cao hiện nay bởi học về môi trường sẽ đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội loài người.

Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp các tin tức về hiện tượng trái đất nóng lên, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt chưa từng có, thiên tai thảm họa diễn ra trên toàn thế giới. Đó là những biểu hiện của môi trường trái đất đang ngày càng bị hủy hoại. Vì thế việc nghiên cứu khoa học về môi trường trở nên quan trọng hơn hết.

1. Khoa học Môi trường là gì? Nghiên cứu vấn đề gì?

1.1. Khái niệm về Khoa học Môi trường

Khoa học Môi trường là một ngành khoa học rộng, tích hợp kiến thức của vật lý, sinh học, hóa học, địa lý... trong việc nghiên cứu các mối quan hệ tương tác qua lại giữa con người với môi trường xung quanh. Từ đó nâng cao sự hiểu biết, tìm ra những tác nhân xấu để có thể đề ra giải pháp cho các vấn đề bảo vệ, cải thiện và giữ gìn môi trường.

Khoa học Môi trường là gì? Nghiên cứu vấn đề gì?
Khoa học Môi trường là gì? Nghiên cứu vấn đề gì?

1.2. Cụ thể Khoa học Môi trường nghiên cứu vấn đề gì?

Như đã đề cập, Khoa học Môi trường áp dụng các kiến thức kết hợp từ các ngành sinh học, vật lý , sinh vật học, thực vật học, khoáng vật học, hải dương học, địa chất học, địa lý tự nhiên, khoa học khí quyển... vào trong việc nghiên cứu môi trường, hệ sinh thái.

Từ đó, theo học ngành này sinh viên sẽ nắm bắt được kiến thức nền tảng lần chuyên sâu về: Hệ thống quản lý môi trường, kiểm soát tai biến và rủi ro môi trường; quản lý và sử dụng chất thải công – nông nghiệp quan trắc môi trường; quá trình phóng xạ khí quyển và biến đổi khí hậu; quản lý môi trường khu vực, sinh thái môi trường; mô hình hóa và hệ thống tin địa lý; phương pháp đánh giá biến động ozon khí quyển,...

Bên cạnh đó, sinh viên được “học đi đôi với hành” khi thường xuyên được thực hành trong phòng thí nghiệm, làm quen với thí nghiệm vi sinh, thí nghiệm hóa lý, thí nghiệm hóa kỹ thuật môi trường, thí nghiệm xử lý chất thải,...lẫn đi thực tế, làm việc hiện trường.

Xem thêm: Tìm việc làm nhanh

2. Học ngành khoa học môi trường sau này sẽ làm gì ? Ở đâu?

2.1. Những cơ hội về nghề nghiệp

2.1.1. Nhà khoa học môi trường

Công việc này nghiêng về học thuật, với việc kết hợp nhiều bộ môn khoa học xã hội cho việc tìm hiểu các mối quan hệ, nhận thức, chính sách đề ra của con người đối với môi trường sống. Công việc cụ thể:

- Nghiên cứu các đặc điểm cấu tạo các thành phần của môi trường tự nhiên lẫn nhân tạo (nông thôn, thành phố, đồng bằng, đồi núi, ven biển, khu công nghiệp...)

- Nghiên cứu mối tương quan giữa con người với môi trường xung quanh, để tư vấn cho Nhà nước, các tổ chức kinh tế xã hội, các nhà kinh doanh những giải pháp chính sách khai thác tài nguyên một cách hợp lý, hạn chế những tác động xấu đến môi trường mà vẫn đem lại lợi nhuận. Giúp cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện các quy định pháp luật về môi trường sao cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội.

- Nghiên cứu, đề ra các công cụ quản lý môi trường một cách hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của nhân loại..

Với tư cách là một thành viên của các nhà máy, nhà khoa học môi trường có trách nhiệm thực hiện đảm bảo chất lượng môi trường ở địa bàn nhà máy hoạt động như đảm bảo các tiêu chuẩn về nước thải, khí thải hay rác thải trước khi đổ ra môi trường.

Những cơ hội về nghề nghiệp
Những cơ hội về nghề nghiệp

2.1.2. Kỹ sư môi trường

Nghề này tập trung vào khía cạnh thiết kế và công nghệ nhằm cải thiện chất lượng môi trường về mọi mặt.

-  Nghiên cứu, sáng tạo ra các công nghệ, kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường,  từ đảm bảo tiến tới nâng cao chất lượng sống của con người. Thiết kế các quy trình, chế tạo máy móc xử lí ô nhiễm môi trường.

- Quản lý môi trường thuộc phạm vi của mình, tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thực địa. Nghiên cứu và đo lường các chỉ tiêu môi trường (chỉ tiêu về nước thải, khí thải, v.v…) để đưa ra biện pháp và quy trình xử lý ô nhiễm tại khu vực bị ô nhiễm.

2.1.3. Nhà sinh thái môi trường

Thông qua các hoạt động: tuyên truyền, vận động, giáo dục, đấu tranh chống các hoạt động săn bắt, làm nguy hại đến động vật quý hiếm... nhằm mục đích bảo tồn các động thực vật hoang dã.

2.2. Nơi nhà môi trường làm việc

2.2.1. Các cơ quan quản lý, nghiên cứu về môi trường

Trước hết, bạn có cơ hội làm việc tại các cơ quan Nhà nước quản lý lĩnh vực môi trường. Hiện nay nước ta có một hệ thống khá hoàn thiện về môi trường từ trung ương đến địa phương như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, các sở tài nguyên tại các tỉnh thành phố, các viện nghiên cứu trực thuộc Bộ, các phòng ban về tài nguyên môi trường cũng đang dần được hoàn thiện tại cơ quan hành chính các cấp...Hoặc làm sĩ quan, chiến sĩ ở các phòng cảnh sát môi trường

Nếu bạn có đam mê với học thuật, mong muốn trở thành nhà khoa học môi trường, bạn có thể làm tại các trung tâm, các viện nghiên cứu về môi trường trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ,  Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường, Chi cục bảo vệ môi trường, Phòng tài nguyên môi trường hoặc các trường đại học, cao đẳng v.v...

Chuyên viên ở các cơ sở y tế như Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, các Bệnh viện; chuyên viên ở các trung tâm bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia,…

Bên cạnh đó bạn có thể giảng dạy ở các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có đào tạo các ngành môi trường (hiện có các cựu sinh viên Khoa Môi trường giảng dạy ở Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội ĐH Huế, ĐH Nha Trang, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.…)

Nơi nhà môi trường làm việc
Nơi nhà môi trường làm việc

2.2.2. Các nhà máy, xí nghiệp

Tại các công ty về môi trường (Công ty Môi trường Đô thị, Công ty cấp thoát nước, Công ty hạ tầng Khu đô thị..), nghề nghiệp của bạn sẽ là nhà nghiên cứu hoặc kỹ sư môi trường. Ở đây bạn sẽ phải nghiên cứu những công nghệ, máy móc, thiết bị,... hoặc thiết kế, tư vấn, thi công, lắp đặt những công trình giúp quản lý, xử lý các vấn đề môi trường.

Ngoài ra các nhà máy, xí nghiệp đều có bộ phận giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh, vì thế với các kiến thức về môi trường bạn có thể làm tại đây, tham gia vận hành và giám sát các quy trình công nghệ xử lý rác thải. Cụ thể bạn có thể làm cán bộ kỹ thuật ở các phòng/bộ phận về môi trường ở nhà máy, doanh nghiệp như phòng ISO, phòng quản lý môi trường, trạm xử lý nước thải, phòng vệ sinh an toàn lao động,…

Xu thế phát triển bền vững là tất yếu, vì thế việc đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng. Các công ty đều phải coi trọng vấn đề này mà áp dụng những quy trình công nghệ xử lý rác thải tiên tiến. Mà để đảm bảo quy trình này hoạt động hiệu quả thì đều cần đến các kỹ sư môi trường.

Có những cơ sở sản xuất, vai trò của kỹ sư là vô cùng quan trọng, cần tìm kiếm những người giỏi, không chỉ cần kiến thức nền về môi trường và công nghệ mà còn phải đi sâu vào chuyên ngành, ví dụ như trong công nghiệp hóa dầu, công nghiệp năng lượng...Đi kèm với đó là đãi ngộ vô cùng tốt.

2.2.3. Các tổ chức trong nước và quốc tế về môi trường

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chung của toàn nhân loại. Muốn Hành tinh xanh đòi hỏi sự chung sức đồng lòng của toàn thế giới. Vì thế hiện nay trên thế giới có rất nhiều tổ chức, hiệp hội, các quỹ, các nhà hoạt động vì môi trường. Các ngành nghề lĩnh vực khác cùng đều coi trọng vấn đề này mà tổ chức các dự án, hoạt động vì môi trường.

Đây sẽ là nơi hoạt động lý tưởng cho những người yêu môi trường, muốn được giao lưu học hỏi với bạn bè quốc tế. Bạn sẽ được tham gia vào những hoạt động thực tế, những chương trình, những dự án quy mô tầm quốc gia, khu vực thậm chí là thế giới, kéo theo đó kĩ năng, kiến thức chuyên môn lần tầm mắt đều được mở rộng. Tuy nhiên đây thường là các hoạt động thiện nguyện, gian khó không nhằm mục đích kiếm tiền.

Các tổ chức quốc tế hoạt động vì môi trường hiện nay bạn có thể tham khảo: UNEP,WHO, CGIAR, Wildact, Animals Asia, WWF Vietnam,...

Xem thêm: Bí quyết viết CV xin việc cho sinh viên mới ra trường ấn tượng nhất

2.3. Mức lương  đối với các nghề liên quan đến ngành khoa học môi trường

Dựa theo số liệu của Cục Thống kê lao động trung bình năm thu nhập của:

– Nhà tư vấn là 61,700 nghìn đô.

– Kỹ thuật viên vào khoảng 41,380  nghìn đô.

– Kỹ sư có thu nhập 78,740 nghìn đô.

Tuy nhiên, để kiếm được mức lương đáng mơ ước trên, bạn phải trở thành chuyên gia đầu ngành. Mức lương thực tế mà bạn có thể đạt được ngay sau khi tốt nghiệp:

– Mới ra trường: 4-5 triệu VNĐ/tháng.

– Từ 2-3 năm kinh nghiệm: 7-9 triệu VNĐ/tháng.

– Từ 4-5 năm kinh nghiệm: trên 11 triệu VNĐ/tháng.

Có thể nói, mặt bằng chung mức lương của ngành này thuộc mức cơ bản, muốn lương hậu hĩnh phải phụ thuộc vào kinh nghiệm lẫn giỏi nghề.

Xem thêm: Việc làm môi trường, xử lý chất thải

3. Làm thế nào để trở thành một nhà khoa học môi trường tài năng?

3.1. Những tố chất và kỹ năng cần có

Khoa học Môi trường không phải ngành dễ dàng theo đuổi, người học cần những tố chất nhất định:

-Vì cần tổng hợp các kiến thức nhiều ngành khoa học khác nhau, nghiên cứu làm thí nghiệm nên bạn cần sự cẩn thận, tỉ mỉ, chu đáo, trách nhiệm cao.

- Có niềm đam mê công nghệ, thích nghiên cứu, nếu không sẽ rất dễ nản.

- Có tư duy sáng tạo, khả năng phân tích

- Yêu thiên nhiên, môi trường, thích tìm tòi khám phá những quy luật của tự nhiên,...

- Có sức khỏe tốt, có thể chịu được áp lực công việc

Làm sao để trở thành một nhà khoa học môi trường tài năng
Làm thế nào để trở thành một nhà khoa học môi trường tài năng

3.2. Các phương thức xét tuyển  ngành Khoa học Môi trường

- Cách thức xét tuyển

Cách thức 1: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia

Cách thức 2: Xét tuyển theo tổ hợp 3 môn của học bạ lớp 12

Cách thức 3: Xét tuyển bằng điểm trung bình chung học bạ lớp 12

Cách thức 4: Xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia

-Ngành Khoa học môi trường  xét tuyển khá đa dạng, bao gồm các tổ hợp môn sau:

A00: Toán - Lý - Hóa

A01: Toán - Lý - Tiếng Anh

B00: Toán - Hóa - Sinh

C02: Toán - Văn - Hóa

D01: Toán - Văn - Tiếng Anh

D90: Toán - Khoa học tự nhiên - Tiếng anh

-Danh sách các trường nổi trội đào tạo ngành Khoa học Môi trường

Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội

Học viện Nông lâm Việt Nam

Đại học Khoa học – Đại học Huế

Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng

Đại học Tôn Đức Thắng

Đại học Công nghiệp TP.HCM

Đại học Nông lâm TP.HCM

Nếu đã quyết định theo ngành Khoa học Môi trường trường, thì bạn đã trở thành một trong những người đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường và giải quyết những thách thức các vấn đề về môi trường ở hiện tại lẫn tương lai. Đây là một công việc không hề dễ nhưng vô cùng có ý nghĩa không chỉ cho bản thân mà cho toàn nhân loại.

Dù cho bạn quyết định không theo ngành nghề này thì vẫn cần có ý thức bảo vệ môi trường vì mỗi việc làm của bạn hôm nay đều tác động đến môi trường sống mai sau.

Bài Viết Liên Quan

BÌNH LUẬN

TRẢ LỜI BÌNH LUẬN
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Thông Báo

Thoát

Bạn có tin nhắn mới từ :